TIỂU SỬ CỐ NI SƯ THÍCH NỮ THƯỢNG TRÍ HẠ PHÁT (1922-1986)
Ngày cập nhật: 30/11/2018
TIỂU SỬ
CỐ NI SƯ THÍCH NỮ THƯỢNG TRÍ HẠ PHÁT
(1922 – 1986)
------- * * * * ------
I. THÂN THẾ :
Ni sư Trí Phát, thế danh là Nguyễn Thị Kim Liên, Pháp danh Nhật Liên thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41, Tông phong Phi Lai miền Tây Nam bộ, đệ tử của Ni trưởng Diệu Kim. Ni sư sinh năm Nhâm Tuất (1922) tại xã Phú Mỹ, tỉnh Định Tường. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Tấn Mau, thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Cửu. Gia đình thuộc thành phần trung nông, Ni sư là người con thứ tư trong gia đình có sáu anh chị em (ba trai và ba gái).
II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC:
Thuở nhỏ có duyên với Phật pháp, Ni sư thường xuyên đến chùa Long Hội (gần nhà) để lễ Phật tụng Kinh, công quả sớm hôm. Ngày tháng trôi qua, Ni sư có ý nguyện xuất gia tu học nhưng gia đình không cho phép ; mãi đến năm 17 tuổi, Ni sư mới được phép song thân cho vào chùa Long Hội tập tu. Đến năm 18 tuổi, cơ duyên đã đến, Ni sư đến chùa Quan Âm – Sa Đéc được Ni trưởng Diệu Kim thế phát xuất gia và đặt Pháp danh là Nhật Liên, hiệu Trí Phát.
Năm 1945, Ni sư được Bổn sư gởi đi học ở Phật học đường Phật Quang, Bang Chang, Trà Ôn do Hòa thượng Thích Thiện Hoa thành lập. Sau những năm tháng siêng năng cần mẫn tu học, năm 1951 được sự cho phép của Bổn sư, Ni sư thọ giới Tỳ-kheo-ni tại chùa Tăng Già (nay là chùa Kim Liên, quận 4, TP. Hồ Chí Minh).
Lòng phấn khích khi chính thức gia nhập vào hàng ngũ Tăng bảo, Ni sư cố gắng hơn trong phận sự tu học. Sau một thời gian dài tu học, Ni sư rời Phật học đường Phật Quang theo Ni sư Diệu Ngộ (nay là Ni trưởng chùa Thiên Phước – Long An) đến chùa Phổ Đức ở Mỹ Tho tu học. Sau đó, Ni sư lên Sài Gòn theo học Phật pháp tại Ni trường Từ Nghiêm được ban Giám viện phân công phụ trách làm Trưởng phòng may (may đồ cho tu sĩ và áo tràng Phật tử) để làm kinh tế cho Ni trường.
III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:
Năm 1963, do chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, Ni sư đã cùng với quý Thượng tọa, Ni sư đứng lên đấu tranh giành độc lập cho nước nhà nói chung và bảo vệ Phật giáo nói riêng. Lúc đó Ni sư làm liên lạc đưa lấy thông tin, được một thời gian thì Ni sư bị bắt tại Rạch Cát – quận8, TP. Hồ Chí Minh. Một tháng sau, Ni sư được thả tự do và tiếp tục tranh đấu cho Phật giáo nước nhà.
Năm 1964, nhân có một Phật tử bán miếng đất dưới cầu An Lạc, huyện Bình Chánh, Chợ Lớn (nay là quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh), Ni sư mua và xây tịnh thất nhỏ lấy tên là Ni Viện Diệu Quang cùng với một vài đệ tử ở đó tu học. Và cũng trong năm này, ngoài miền Trung bị thiên tai bão lụt, dân tình đói khổ vô cùng, nhà cửa đã bị bão lụt cuốn trôi, đồng bào không nơi nương tựa, Ni sư cùng với quý Hòa thượng, Tôn đức Tăng Ni tổ chức đoàn cứu trợ bão lụt miền Trung.
Sau chuyến cứu trợ trở về, Ni sư đem một số trẻ em mồ côi cha mẹ trong đợt thiên tai bão lụt này về nuôi dưỡng và Ni Viện Diệu Quang đã trở thành nơi nuôi trẻ mồ côi từ đó. Một thời gian, do nhỏ hẹp và không tiện nghi cho việc nuôi trẻ từ khi đem những trẻ em từ miền Trung vào nuôi, Ni sư cũng tiếp nhận rất nhiều những trẻ em mồ côi khác. Với tấm lòng từ bi của người con Phật, Ni sư muốn thành lập một Cô Nhi Viện để nuôi trẻ mồ côi. Ni sư bàn bạc với quý Phật tử thân tín mua một miếng đất gần Xa cảng miền Tây (nay Bến xe miền Tây) để thành lập Cô Nhi Viện. Miếng đất này, Ni sư nhờ Hòa thượng Thiện Hòa – Viện chủ chùa Ấn Quang đứng tên mua với diện tích 1.500m2 tọa lạc tại An Lạc, quận Bình Chánh, tỉnh Chợ Lớn (nay là thị trấn An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh), lấy tên là Cô Nhi viện Diệu Quang. Ngoài sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, Ni sư còn mở lò bánh mì để làm kinh tế nuôi trẻ mồ côi. Khu đất đó, phần trước để nuôi trẻ và cho nhân viên ở, phần sau là một dãy nhà lá dành cho Ni chúng tu tập và nơi Ni sư làm Phật sự (Ni sư đặt tên là chùa Từ Hạnh). Do chiến tranh, nên Ni sư chỉ cất phần Chánh điện tạm thời để có nơi sớm hôm lễ bái.
Sau khi đất nước thống nhất, Cô Nhi viện Diệu Quang nhà nước sử dụng làm trường Nuôi Dạy Thiếu Niên II : nuôi trẻ bụi đời. Ni sư và Ni chúng tiếp tục tu học tại chùa Từ Hạnh (khu phía sau).
Vào thời gian này, Hòa thượng Hoàn Tâm trụ trì chùa Phật Quang, Trà Ôn, Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) thấy sức khỏe không được tốt, nên Hòa thượng mời Ni sư về làm trụ trì chùa Phật Quang. Ni sư đã nhận lời vì lúc này tại chùa Từ Hạnh số lượng Ni chúng cũng chưa nhiều, Ni sư tạm thời rời chùa Từ Hạnh và đưa một số Ni chúng về chùa Phật Quang. Ở đây, mặc dù công việc ruộng vườn bận rộn nhưng Ni sư vẫn dành thời gian cho việc dạy Ni chúng; bốn năm sau, trường Nuôi Dạy Thiếu Niên II có sự thay đổi, Ni sư giao lại chùa cho Hòa thượng trở về chùa Từ Hạnh (1983).
Về đây, Ni sư cùng với Ni chúng hơn 30 vị cùng sinh hoạt và tu học, tuy đời sống kinh tế có khó khăn nhưng dưới sự bảo bọc và dạy dỗ của Ni sư, tất cả Ni chúng cùng nhau làm việc, cùng nhau tu học thật an lạc như một mái ấm gia đình.
IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH:
Năm 1985, Ni sư bị bệnh cao huyết áp, thấy Ni sư sức khoẻ có phần giảm sút nên quý huynh đệ trong tông môn như Ni sư Trí Hải, Trí Hòa… đưa Ni sư về chùa Từ Nghiêm, chùa Dược Sư để trị bệnh.
Năm 1985, thấy tình hình bệnh không thuyên giảm, Ni sư trở về chùa Từ Hạnh dưỡng bệnh. Dù thân thể yếu bệnh nhưng Ni sư vẫn minh mẫn và linh hoạt, kham nhẫn với bệnh tật. Thấy Ni sư ngày càng yếu dần, quý huynh đệ một lần nữa lại đưa trở về chùa Từ Nghiêm, vì lúc này chùa Từ Hạnh không tiện nghi trong việc dưỡng bệnh và điều trị. Đến ngày 15 tháng 03 năm Bính Dần (1986), Ni sư đã xả báo thân an tường thu thần viên tịch tại chùa Từ Nghiêm, quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Trụ thế 65 tuổi, hạ lạp 35 tuổi.
Ni sư đã thuận lý vô thường trở về với bản thể Niết-bàn, (Thường, Lạc, Ngã, Tịnh) bỏ lại sau lưng niềm thương tiếc vô biên của môn nhơn đệ tử. Tấm gương đạo hạnh của Ni sư luôn sống mãi trong lòng người con Phật nói chung và Ni giới nói riêng.
( Theo lời kể của Sư cô Nhật Đạo và Ni sư chùa Diệu Quang).
* * * * * *
* Ni Sư Thích Nữ Trí Phát là huynh đệ với Ni Sư Thích Nữ Trí Thuần, Trí Hòa, Trí Lượng,Trí Thanh, Trí Thường, Trí Huệ ,Trí Định , Trí Chơn, Trí Diệu, Trí Thắng ,Trí Tôn ,Trí Tiên, Trí Hải, Trí Nguyên, còn nữa... vv........................