CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT CỦA TỨ PHẦN LUẬT TỲ KHEO NI GIỚI - Sư Bà THÍCH NỮ TRÍ TIÊN

chua long khanh

Ngày cập nhật: 01/12/2018

 

 Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

- Kính bạch Quý Chư Tôn Thiền Đức Ni.

- Kính thưa: Quý chư vị Tân Tỳ Kheo Ni.

- Tôi là Ni Trưởng Thích Nữ TRÍ TIÊN.

- Viện chủ Chùa Long Khánh.

Số 28, đường 8/3, khóm 4, phường 5, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

- Hôm nay ngày 19/02/2017. Tôi phát tâm dịch bộ

 TỨ PHẦN LUẬT TỲ KHEO NI GIƠÍ.

---- * * * ----

 

Đầu tiên tôi nói về  CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT CỦA TỨ PHẦN LUẬT TỲ KHEO NI GIỚI

(Phần đầu).

 

* Trước khi học Luật tôi nói về phần TÁC PHÁP YẾT MA:

- Nguyên tên của tiếng Phạn là Yết Ma.

- Tàu dịch  là Biện Sự Tác Pháp.

- Việt Nam dịch là Pháp Tắc Phải Cử Hành.

Tức là mọi sự nghi lễ ở trong chùa đều phải cử hành theo nguyên tắc này

Tôi đưa ra 1 thí dụ:

Hôm nay chúng ta học Luật Tỳ Kheo Ni giới, thì chúng ta phải Biện Sự Tác Pháp. Tức là chúng ta phải cử hành các nghi thức, để trong chúng được thống nhất ý kiến.

Tôi xin họp hết tất cả chúng Tỳ Kheo Ni đến đây và tôi xin thưa như thế này:

Tôi mới cử ra 2 người để đối đáp: 

Thí dụ như tôi và Ni trưởng TRÍ LƯỢNG, tôi hỏi và Ni trưởng đáp.

- Hỏi: Tăng nhóm chưa?

- Ni trưởng đáp: Tăng đã nhóm.

- Hỏi: Hòa hợp chưa?

- Ni trưởng đáp: Đã hòa hợp.

Có nghĩa là nhóm đây mà cãi cọ, gây gỗ thì pháp Yết Ma này cũng không thành tựu --> mà phải là đồng tâm, nhất trí và thanh tịnh thì pháp sự này mới thành tựu được.

- Hỏi: Người chưa thọ đại giới ra chưa ?

- Ni trưởng đáp: Thưa, người chưa thọ đại giới đã ra. 

- Hỏi: Các Tỳ kheo có khiếm diện, thuyết dục và thanh tịnh không ?

- Ni trưởng đáp: Thưa, có thuyết dục và thanh tịnh.

KHIẾM DIỆN là người vắng mặt, người đi vắng, người ta gởi dục lại, gọi là thuyết dục, nhờ người khác thưa lại dùm, thì có 1 vị đại diện ra quỳ thưa.

Thí dụ Sư Cô Huệ Chi trưởng chúng ra quỳ tác bạch.

“Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch trên quý chư Đại Đức Ni. Con là Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Huệ Chi xin tác bạch:

Hôm nay là ngày trưởng tịnh ( Bạch ngoạc, ngày rằm).. Chư Ni Bố Tát tụng luật Tỳ Kheo Ni giới.

Có 2 vị Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Huệ Thành và Thích Nữ Huệ Bình trước khi đi chợ Vĩnh Long có gởi dục lại cho con, con xin kính trình lên, quý Chư Đại Đức Ni liễu tri cho”.

Tức là: 2 Sư cô này đi vắng, nên xin gởi ý kiến lại, là ni chúng ở đây Yết Ma quyết định ra sao, thì 2 Sư cô cũng tùy thuận theo như vậy, đó gọi là GỞI DỤC. 

Cũng giống như mình đi bầu cử, bỏ thăm vậy. Chánh phủ lấy ý kiến Dân chủ là trưng cầu dân ý, để nhân dân bầu cử ( tức là cử người lên đại diện cho dân), mình là 1 công dân có quyền bỏ 1 lá phiếu, để đưa nguyện vọng mình.

Bây giờ lý do: Mình bệnh, hay trường hợp nào đó mình phải vắng mặt, không đi bầu cử được mới nhờ Sư Cô Huệ Chi đi bầu cử dùm.

Thí dụ Bầu cử người ta đưa ra 5 người, chọn lấy 3, gạch bỏ 2. Thì mình mới gởi ý kiến cho Sư cô Huệ Chi là Sư cô chọn Đại biểu cử tri như sao. Thì em cũng tùy thuận theo như vậy.

- Hỏi: ” Tăng nay hòa hợp để làm gì” ? 

(Tức là nhóm tại giảng đường Chùa Long Khánh này).

- Ni trưởng đáp: “Thưa, để học Luật Tỳ Kheo Ni Giới”.

Thì đã có đưa đề mục lên rồi.

* Tôi mới nói lên là: “Xin bạch với quý Chư Đại Đức ni và toàn thể đại chúng, Tăng hôm nay hòa hợp tại giảng đường Chùa Long Khánh này để học Luật Tỳ Kheo Ni Giới, nếu Tăng thuận cho thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói lên, tác bạch như vậy có "thành không" ?

* Thì mọi người đáp là: "Thành".

Tôi bạch như vậy cho đến ( 3lần ).

Mọi người đều đáp là "Thành".

Thì coi như pháp sự này đã thành tựu rồi.

- Từ đây bắt đầu thực hành học Luật Tỳ Kheo Ni, coi như không ai được quyền chống trái lại.

Lúc sắp sửa học Luật Tỳ Kheo Ni tự nhiên vị Trị Sự chạy vào nói là--> hôm nay bận đi lấy vỏ dừa và chẻ củi mà sao lại bày ra học giới.. 

Lúc nãy, khi người ta bạch qua ba lần Yết Ma thì mình không nói là con xin có ý kiến bữa nay bận đi chở vỏ dừa và chẻ củi...nên học Luật không được...

Lúc người ta hỏi Tác bạch như vậy có “Thành” không? Mình đáp :“ Thành”, rồi bây giờ chống trái lại.

Như vậy thì cô Tri sự này xin ra Sám hối, vì cô đã PHÁ YẾT MA TĂNG.

Cho nên Phật ngày xưa cử hành pháp sự này: để chúng Tăng quyết định thống nhất nhau, và không tranh cãi qua lại.

*Tác pháp Yết Ma xong rồi, thì sự việc này bất khả vãng hồi.

Nếu sau này người nào đưa ý kiến chống trái lại, cãi tới, cãi lui là lỗi về phần người đó.

Cho nên có nghĩa là: Biện Sự Tác Pháp. Tức là tất cả các sự việc ở trong đại chúng đều nhờ pháp sự này mà thành tựu viên mãn.

YẾT MA là sự đồng ý của một tập thể, như sữa hòa với nước.

Động lực của Yết Ma là ý chí biểu hiện của thân và ngữ qua ba gia đoạn:

1/ Giai hành của nghiệp đạo: nghĩa là chuẩn bị cho hành động

2/ Căn bản của nghiệp đạo: là lúc hành động đạt đến mục đích mong muốn

3/ Hậu khởi của nghiệp đạo : là sự tiếp diễn của hành động sau khi căn bản nghiệp đạo đã thành.

Vậy, yếu tố căn bản của các pháp yết ma là sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng.

• 4 YẾU TỐ THÀNH TỰU YẾT MA NHƯ PHÁP:

1/ Nhân thành tựu : nghĩa là giới tử có đầy đủ tư cách để nhận giới. Ví dụ: Yết ma truyền giới cụ túc.

2/ Giới thành tựu: tại một trụ xứ, giới trường hay tiểu giới đã được kiết giới như pháp.

3/ Tăng thành tựu: Tăng đủ số từ 5 vị tỳ kheo hay 10 vị tỳ kheo.

4/ Yết ma thành tựu: các giai đoạn của yết ma: gia hành, căn bản, hậu khởi được thực hiện đầy đủ như pháp.

• Phân loại YẾT MA:

a/ có 3 loại Yết Ma

1/ Tâm niệm yết ma : là tự mình nghĩ và nói lên lời, mà không có người thứ hai nghe. Ví dụ như tâm niệm bố tát.

2/ Đối thú Yết Ma : là sự tác pháp giữa 02 hay 03 người; một người nói, một hay hai người khác nghe.

3/ Tăng pháp yết ma : từ bốn vị tỳ kheo trở lên.

b/ 04 loại Yết Ma:

1/- Đơn Yết Ma là bạch 1 lần.

2/- Nhị Yết Ma là bạch 2 lần

3/- Tam Yết Ma là bạch 3 lần

4/- Tứ Yết Ma là bạch đến 4 lần.

Tức là: những sự việc quan trọng thì phải tác bạch đến 4 lần.

Chẳng hạn như hôm nay đi lấy vỏ dừa và chẻ củi,... thì vị Tri sự chỉ cần tác bạch một lần thôi thì đã thành rồi. Tại vì việc này bình thường.

Xưa khi Phật còn trụ thế, thì may y, cất tịnh xá, an cư kiết hạ, thâu người vô xuất gia hoặc truyền giới pháp cho người ,... tất cả những việc này thì đều phải nhóm chúng Tác Pháp Yết Ma . (Nghĩa là hợp chúng lại để trưng cầu ý kiến lấy biểu quyết thống nhất, thì pháp sự đã xong). Khi tập thể nhất trí rồi thì liền thực hành.

Nếu như có người nào chống trái lại là người đó Phá Yết Ma Tăng và phạm 01 trong NGŨ NGHỊCH TỘI.

Để cho đời sống của chúng Tăng được hòa hợp, đoàn kết nhau. Tinh thần dân chủ này đã có từ thời Đức Phật còn tại thế.

- Một người mà sau khi thọ giới Tỳ Kheo Ni rồi thì là một thành viên của Tăng đoàn, lúc đó không phân biệt giai cấp Bà la môn, sát đế lợi, vua chúa gì cả mà tất cả đã có quyền quyết định vận mệnh của Tăng đoàn, ai cũng có quyền đưa ra nguyện vọng của mình lên, chứ không giành riêng ai.

* 7 LOẠI PHI TƯỚNG YẾT MA:

1/ Phi pháp phi tỳ ni: không đúng pháp, không đúng luật.

2/ Phi pháp biệt chúng: không đúng pháp, không hòa hợp.

3/ Phi pháp hòa hợp: Tăng hòa hợp, các pháp Yết ma không đúng.

4/ Như pháp biệt chúng: làm đúng như pháp, nhưng chúng không hòa hợp.

5/ Pháp tương tợ biệt chúng: tác pháp yết ma không đúng quy tắc, trong chúng không hòa hợp 

6/ Pháp tương tợ hòa hợp : tác pháp yết ma không đúng pháp, trong chúng hòa hợp.

7/ Yết ma bị ngăn mà không đình chỉ: Yết ma bị ngăn cản đúng pháp nhưng Tăng vẫn tiến hành tác pháp.

  Nếu phạm một trong 7 phi tướng kể trên thì yết ma của Tăng không thành và quyết định của Tăng không thể có hiệu lực .

• CÓ 4 TRƯỜNG HỢP GIÀ YẾT MA ( NGĂN YẾT MA):

1/  Người được kể trong túc số Tăng nhưng không được phép ngăn Yết ma, như yết ma tẫn xuất, yết ma y chỉ,....

2/ Người không được kể trong túc số Tăng nhưng có quyền ngăn yết ma. Đó là người đang cầu thọ cụ giới.

3/ Người không được kể trong túc số tăng và cũng không có quyền ngăn yết ma. Như khi Tỳ kheo Tăng tác pháp, thì Tỳ Kheo ni không được kể trong túc số và cũng không có quyền ngăn.

4/ Tỳ kheo ni thanh tịnh hiện diện được kể trong túc số Tăng, đều có quyền ngăn Yết ma.

• DANH TỪ TĂNG:  

Tăng tiếng Phạn gọi là Sangha, phiên âm là Tăng Già, hay còn gọi là Tăng, dịch nghĩa: Chúng hòa hợp.

Tăng có nghĩa là một nhóm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni từ bốn vị trở lên, chỉ cho người xuất gia trong đạo Phật, sống chung với nhau hòa hợp thanh tịnh.

Tăng là mảnh đất tốt để trưởng dưỡng thiện pháp đem lại an lạc cho mình và người, một vị Tăng phải có sự tiến bộ tâm linh và phát triển nhận thức bằng trí tuệ vô lậu.

Tăng là nơi nương tựa an ổn cho thế gian. Sự tồn tại của Tăng Già là sự tồn tại của Phật pháp.

Ngoài ra, từ Tăng không phải chỉ riêng cho Phật giáo, mà đã có từ trước khi Phật ra đời. Tăng có nghĩa ban đầu là một cộng đồng có chung một mục đích và cùng nhau thực hiện để đạt mục đích đó.

Đức Phật thiết lập Tăng Bảo gồm những vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni như pháp.

• Tăng có 4 loại  như: 4 người, 5 người, 10 người và 20 người trở lên.

Ví dụ: Ở chùa Long Khánh có cô Diệu Lý ở Bạc Liêu đến đây xin xuất gia. Thì tôi mới hợp chúng Ni lại tác pháp Yết Ma, thì trong chúng này có người bằng lòng cho cô Diệu Lý xuất gia, người thì không cho, nói là: cô đó từ Bạc Liêu đến đây không có người thân đến gởi, biết cô đó như thế nào mà cho xuất gia?

• Thì tôi mới trưng cầu ý kiến và tổng số lại coi là : 

- Bao nhiêu vị bằng lòng

- Bao nhiêu vị không bằng lòng.

Nếu như: 30 người đồng ý.

Còn lại là: 10 người không đồng ý.

Thì cô này được xuất gia.

Tại vì lấy ý kiến đại đa số.

* Giả sử như: 29 người đồng ý, mà còn lại là 11 người chống lại không đồng ý. Thì coi như cuộc yết ma này không thành công, lấy cái số kết quả của người bằng lòng, phải là ¾ tổng số mới được thành tựu.

* TẬP THỂ TĂNG GIÀ:

Gồm có 4 người thì Yết Ma mới được.

Trong khi tác pháp yết ma, nếu có 3 người bằng lòng, mà chỉ còn có 1 người chống lại thì coi như pháp sự này được thành công.

Có nghĩa là lấy biểu quyết phải được con số 3/4 . Còn như người nhất trí có 2/4, hay là hơn cả người chống quá nhiều, thì việc này phải đình lại, như vậy quý vị  hiểu về phần tác pháp yết ma chưa?

* GỞI DỤC:  là gởi cái ý kiến của mình lại, gởi cái nguyện vọng của mình nhờ người khác trình bạch lại dùm.

• Trong khi chúng Tăng tác pháp Yết Ma mà mình đi vắng mặt, không gởi dục lại là người này phạm lỗi.

Ví dụ: Ngày hôm nay, chùa Long Khánh hợp chúng lại, tác pháp yết ma để truyền y phương trượng cho Sa di ni thì đòi hỏi phải có đủ nhân số để lấy biểu quyết cho được số là: ¾ rồi mình bỏ đi, mà không gởi dục lại cho ai hết. Ở chùa đây đại chúng phải lúng túng, mình là 1 nhân số trong đây, biết mình có bằng lòng không, rồi làm sao lấy biểu quyết được .

Cho nên nó làm trở ngại việc Yết ma của Tăng chúng, như vậy là mình có lỗi.

Cho nên trước khi đi đâu mình phải gởi dục lại là như vậy.

• GIỚI:

- Giới là ngừng ác, mặt tích cực của Giới là hành thiện.

- Giới còn được gọi là Giới thể do từ nơi giới Sư tác pháp yết ma trao giới và giới tử dùng tâm nhận giới, nó tiềm tàng trong tâm và sanh khởi công năng phòng phi chỉ ác.

- Giới thể này luôn nảy sanh mầm thiện cũng gọi là “ vô tác giới thể”. Đây là điều tối quan trọng của người thọ giới mà cũng là những điều căn bản trong giới luật.

- Chúng ta là những chúng sanh sanh ra ở cõi ta bà này mang nhiều nghiệp chướng như : sát, đạo, dâm, vọng.

Nguyên nhân của chúng ta vào cõi dục giới này phần nhiều là do nghiệp lực nhiều hơn nguyện lực. Nghiệp thức lôi kéo mình sa đọa.

- Còn các vị Bồ tát: thì là nguyện lực, cái nguyện tế độ chúng sanh, nên họ bằng lòng chịu quả báo để cứu độ chúng sanh.

- Còn mình thì nghiệp lực lôi vào đây.

*Cho nên người ta gọi là “ Câu sanh vô minh” . Theo Triết học thì nói có 2 nguồn tiềm lực lớn mà nó chi phối con người là “ Thị dục huyễn ngã và Tình dục”.

1/ Thị dục huyễn ngã: là cái ao ước – mình muốn sao cho mình được hơn người và muốn được người ta công nhận mình là hàng danh tiếng tột đỉnh, muốn người ta khen tặng mình là thần tượng, muốn được hưởng thụ luôn luôn sung sướng.

2/ Tình dục còn gọi là Ái dục : Là bản năng của chúng sanh trong cõi dục giới này. Do vì bị chi phối mà chúng sanh bị mê mờ nên ra vào trong tội lỗi.

* Do đó, nên ngăn ngừa chúng ta trong khi sống mà không làm tổn hại cho nhau thì phải có Giới.

Giới Sa di ni và Thức xoa ma na thì chúng ta đã học rồi, ở đây chỉ nói giới Tỳ kheo ni.

* Chữ TĂNG: là dùng cho một đoàn thể, từ 4 người trở lên và sống hòa hợp thanh tịnh.

- Người nam đi tu thọ giới Cụ túc thì gọi là Tỳ kheo

- Người nữ đi tu thọ giới cụ túc thì gọi là Tỳ kheo ni.

* TỲ KHEO NI:

- Tỳ kheo ni là những vị tu sĩ nữ giữ giới hạnh thanh tịnh và hòa hợp 

- Tỳ kheo ni mỗi năm phải an cư kiết hạ và Tỳ kheo ni phải có đủ các điều kiện : không có tật bệnh, không phải yêu ma thần quỷ hóa ra người, phải có đủ tướng nữ nhân, không thiếu nợ, được sự cho phép của cha mẹ, đủ 20 tuổi, sau khi thọ giới Sa di ni phải trải qua 2 năm không xa rời Hòa thượng Ni, theo học giới luật Thức xoa ma na, phải có bình bát và y ca sa, không phải giả danh tu, không theo ngoại đạo, không phạm tội ngũ nghịch.

- TỲ KHEO, TỲ KHEO NI có 3 nghĩa: KHẤT SĨ, PHÁ ÁC, BỐ MA.

1/ KHẤT SĨ : Khất có nghĩa là xin, Sĩ là người trí sĩ. Khất sĩ là người trí sĩ đi xin ăn, họ đã từ bỏ cuộc sống gia đình,vật dụng của thế gian, phiền toái của thế gian và dõng mãnh phát tâm xuất gia tu hành được thọ Giới cụ túc.

- Trước xin Pháp Phật để nuôi trí tuệ.

- Sau xin cơm của thí chủ để nuôi thân và đó cũng là duyên để hóa độ.

* Đức Phật từ ngôi vị Chuyển luân thánh vương xuống làm người khất sĩ, đó là 1 pháp độ bao quát và cũng là để san bằng giai cấp, bởi vì thời đó ở Ấn độ sự phân chia ra thành 5 giai cấp rất rõ rệt :

1/ Bà la môn: chủ trì về tôn giáo.

2/ Sát đế lợi: vua chúa, nắm giữ chánh quyền.

3/ Phệ đà: những người đi buôn bán, kinh doanh.

4/ Thủ đà la: những người cần lao, chuyên về lao động ruộng rẫy,tức nghề nông.

5/Chiên đà la: những người nô lệ, người ở, giúp việc..

- Thời kỳ này sự sống bất bình đẳng, những giai cấp dưới phải cung phụng cho 2 giai cấp trên là Sát đế lợi và Bà la môn.. Còn giai cấp Chiên đà la là giai cấp bị khinh rẻ nhất. 

2/ PHÁ ÁC:

Là phá trừ các khổ của: tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến.

3/ BỐ MA:

Là ruồng ma, làm cho ma quân khiếp sợ

• Ma có 4 loại:

- Phiền não ma.

- Ngũ ấm ma.

- Tử ma.

- Thiên ma.

Mình là một vị Tỳ kheo ni, phải có khả năng dư sức bố cho được 4 con ma này. Và phải điều phục thân tâm cho được ổn định.

1/ PHIỀN NÃO MA: thì mình phải biết cách hàng phục cho được con ma phiền não trong tâm của mình đừng để cho nó nổi dậy phá hoại mình, tức là bị phiền não xâm lấn tâm hồn.

2/NGŨ ẤM MA: tức là cơ thể này, thân và tâm nó được cấu tạo bởi những thành phần như: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

- Sắc là sắc thân

- Thọ là cảm giác

- Tưởng là tư tưởng

- Hành là sự diễn biến của tâm thức

- Thức là sự nhận thức, nhận biết của các giác quan hoặc là cái nghiệp thức của mình.

• Ví dụ: khi mình bị đau răng, nhứt đầu...thì mình bực bội, khó chịu, dễ nổi nóng..có cảm giác khó chịu là Thọ Ấm Ma. Người tu chúng ta phải hiểu được nó và điều phục, chế ngự nó để trừ các loại ma chướng này.

3/ TỬ MA:

Là ma chết. Cái chết nó làm gián đoạn sự tu hành của chúng ta. Là người tu làm sao để bố được con ma này, tức là tự tại trước cái chết, không sợ hãi, không bấn loạn...

4/ THIÊN MA:  là Chư Thiên ở cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, những vị chư thiên ở cõi trời này họ rất là thích dục lạc, mà người tu Phật của chúng ta thì không có ngũ dục cho nên những vị này họ tìm cách phá mình, làm chướng ngăn con đường tu giải thoát của mình để sanh về thế giới của họ.

** LUẬT TỲ KHEO NI:

Vào thời đầu tiên Phật mới chứng đạo thì Ngài chưa nói Giới Luật, lúc đó Ngài quan sát căn cơ thấy có nhân duyên với 5 anh em Ngài Kiều Trần Như. Và Ngài nói bài pháp đầu tiên là Tứ Đế và Đức Phật đã đề nghị ra lối tu trung đạo là tránh xa 2 cực đoan là khổ hạnh và hưởng lạc. Sau 12 năm tất cả những vị Sa môn, Bà la môn gia nhập Tăng đoàn của Phật thì họ rất thuần thục về hạnh Sa môn nên thời gian này Giới Luật chưa có.

Đến mùa Hạ năm thứ 13, có một số vị buông lung không giữ phạm hạnh và từ đó Đức Phật chế ra Giới Luật.

- Phật dạy: Từ đây về sau, ai mới gia nhập vào Tăng đoàn, người nào nhận họ thì phải đọc hết tất cả Giới Luật mà Phật đã chế trước (của những người bị phạm vừa qua đó cho họ nghe). Bắt đầu từ đây về sau tu sĩ mới vô tu là học Luật trước. Gọi là “ Tiên học Luật - hậu học Tu đa la”, nghĩa là học Luật trước , sau mới học Kinh pháp. Vào thời đó bắt buột tất cả các Giới Luật đều phải học thuộc.

Vào thời đó, hễ người nam gia nhập vào Tăng đoàn Đức Phật tu học thì đều là Tỳ kheo hết. Sau khi Ngài La Hầu La đi xuất gia thì Phật chế ra giới Sa di. Rồi sau đến Ngài Ma Ha Ba Xà Ba Đề còn được gọi là Kiều Đàm Di Mẫu xin xuất gia, đức Phật mới chế 348 giới của Tỳ kheo ni ( theo Phật giáo Bắc tông).

Ban đầu Đức Phật không hoan hỉ trong việc cho người nữ xuất gia, nhưng nhờ sự thỉnh cầu của Ngài A-nan mà Phật chấp nhận nhưng ngoài 348 giới ra, thì Tỳ Kheo Ni phải chấp hành Bát Kỉnh Pháp, suốt đời không thay đổi, gồm có 8 điều sau:

1- Một Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ cũng phải đứng dậy chắp tay đảnh lễ trước một Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc được một ngày.

2- Một Tỳ Kheo ni không được an cư kiết hạ ở nơi nào không có Tỳ kheo ở.

3- Mỗi nửa tháng, Tỳ Kheo ni phải đến cầu xin thọ giáo cùng Tỳ kheo.

4- Khi an cư xong, phải đến Tỳ kheo cầu ba sự tự tứ: đã thấy gì, nghe gì, và nghĩ gì.

5- Nếu Tỳ kheo ni phạm trọng tội thì phải hành pháp Ma na đỏa  trước hai bộ Tăng gồm 40 vị trong thời gian nửa tháng.

6- Tỳ Kheo ni phải tu tập 6 giới trong 2 năm rồi mới được xin thọ giới Cụ Túc trước hai bộ  Tăng.

7- Một Tỳ kheo ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị Tỳ kheo trong bất kỳ trường hợp nào.

8- Tỳ kheo ni không được nói lỗi của Tỳ kheo. Trái lại, Tỳ kheo được quyền nói lỗi Tỳ kheo ni.

*GIỚI: gồm có 7 phần

1/ Ba la di

2/ Tăng già bà thi sa

3/ Ni tác kỳ ba dật đề

4/ Ba dật đề

5/ Ba la đề đề xá ni

6/ 100 pháp chúng học

7/ Pháp diệt tránh.

- Đây nói về cách dịch của người Hoa như : Ba la di, Tăng già bà thi sa,... là để nguyên văn thuyết ấn. Nói đến Giới Chúng học pháp và Pháp Diệt tránh thì họ đã dịch ra tiếng Hán. Cho nên mình tôn trọng cách người xưa dịch mà để nguyên như vậy.

* NGŨ THIÊN hoặc LỤC TỤ hay THẤT TỤ: 

- Ngũ Thiên: nghĩa là năm phần chia ra tùy nhóm tội phân theo tính chất nặng nhẹ, sai khác nhau theo từng phần, hay từng chương. Ví dụ: Thiên thứ nhất, thiên thứ hai.. 

Ngũ thiên gồm  có: 

1/ Ba la di

2/ Tăng tàn ( Tăng già bà thi sa).

3/ Ba dật đề

4/ Ba la đề đề xá ni

5/ Pháp chúng học.

* TỤ : căn cứ tội tánh và nguyên nhân của tội.

 THẤT TỤ gồm có:

1/ Ba-la-di:  thuộc giới cực ác, hễ phạm thì là mất đi tư cách Tỳ-kheo ni, không được sinh hoạt trong Tăng đoàn. Tội này giống như hình phạt chém đầu, không thể phục sinh. Ví dụ: giết người, cướp đoạt…

2/ Tăng tàn ( Tăng già bà thi sa): là trọng tội đứng sau ba-la-di, người phạm tội này, giống như bị tàn phế vậy, nhưng nếu ở trong đại chúng thanh tịnh mà sám hối đúng như pháp, thì tội này có thể được tiêu trừ. Ví dụ: phỉ báng, bịa đặt…

3/ Ba dật đề: nghĩa là Xả đọa, là những hành vi thọ dụng về tài vật không đúng pháp nên phải xả trước Tăng.

 4/ Ba-la-đề-đề-xa-ni gọi tắt là đề-xa-ni (tội ăn năn), ý là hối lỗi với người khác. Người phạm lỗi này, cần phải sám hối với một Tỳ-kheo ni thanh tịnh khác. Đây là loại tội nhẹ. Ví dụ: thọ dụng đồ ăn không đúng pháp…

5/ Pháp chúng học: liên quan đến những quy định chi tiết về lễ nghi sinh hoạt. Do điều mục rất nhiều, phải thường học tập, cho nên gọi là chúng học. Thuộc vào tội “đột-kết-la” (lỗ mãng, tục tằn). Ví dụ: sự đoan chính trong oai nghi về ăn mặc, đi lại, sự thanh tịnh hòa nhã của ba nghiệp thân ngữ ý…

6/ Pháp diệt tránh: những phương pháp và quy định giúp chấm dứt các cuộc tranh luận. Khi ý kiến mọi người không hợp, khởi lên tranh chấp, thì cần đối mặt trao đổi thẳng thắn, giải thích trình bày cho nhau, nhằm xóa bỏ những hiểu lầm giữa đôi bên. Mỗi khi tranh chấp đã được hóa giải thì không được nhắc lại vấn đề. 

7/ Thâu lăng giá: là đại chướng thiện đạo hay còn gọi là phương tiện tội, là tội chưa thành giữa hai nhóm tội Ba la di và Tăng tàn. Ví dụ: cố ý đi giết người trong đêm, nhưng người ta đi ra ngoài mình đâm dao nhầm cái gối ôm và bỏ chạy đạp chết con chó nhưng không hay. Thì đạp chết con chó là tội tùng sanh, có ý đi giết người nhưng không thành thì không phạm Ba la di, nhưng phạm Thâu lăng giá.

 * LỤC TỤ:  cũng gồm như Ngũ Thiên ở trên, nhưng thêm vào một phần nữa là Thâu lan giá.

* GIỚI TỲ KHEO VÀ TỲ KHEO NI:

- Tỳ kheo thì có 250 giới, và có thêm phần Bất Định Giới.

Nguyên nhân có Bất Định Giới là do Thầy Tỳ Kheo Ca Lu Đà Di nên Phật mới chế ra Giới Bất Định này, mà không thể sắp xếp nó vào đâu được, Giới này không phải là Ba la di, cũng không phải là Tăng Tàn và không thuộc chánh về Giới nào hết. Khi nào học tới Giới Bất Định sẽ giải thích rõ hơn.

* Về phần Ba La Di: 

- Tỳ kheo có 4 giới.

- Tỳ kheo ni có 8 giới.

* Tăng Già Bà Thi Sa:

- Tỳ kheo: 13 giới

- Tỳ kheo ni: 17 giới

* Ni Tác Kỳ Ba Dật Đề: Tỳ kheo và Tỳ kheo ni bằng nhau.

* Ba Dật Đề:

- Tỳ kheo : 90 giới.

- Tỳ kheo ni : 178 giới

* Ba La Đề Xá Ni : 

- Tỳ kheo: 4 giới

- Tỳ kheo ni: 8 giới.

* Còn Chúng học pháp và Pháp Diệt Tránh: thì vẫn giống nhau.

Như vậy: là Giới Ba La Di, Tăng Già Bà Thi Sa và Ba Dật Đề 3 phần Giới như vầy: Thì bên Tỳ kheo ni nhiều hơn.

- Bây giờ tổng số của Tăng và Ni rồi phân ra rõ ràng: Tỳ kheo 250 Giới, Tỳ kheo ni 348 Giới.

* LUẬT TỲ KHEO NI: 

I. DANH, CHỦNG, TÁNH, TƯỚNG :

1/  Danh: nghĩa là tên của tội nào đó, là tội danh.

Thí dụ như tội trộm cắp, tội vọng ngữ,...

2/  Chủng: chữ Chủng có nghĩa là loại, phân loại ra như: tội danh sát sanh thuộc chủng tội Ba la di, tội danh chứa y dư thuộc chủng tội Ba dật đề....

*Nhưng nếu phạm Ba la di thì không được sám hối như người đã bị chặt đứt đầu rồi mà đứt đầu thì không thể sám hối.

3/  Tánh: tức là giới tánh. Tánh của giới không có hình tướng.

- Như: Ba la di - thuộc tánh tội thì không thể sám hối được, vì đã rụng cái đầu rồi, mà rụng đầu rồi còn đâu nữa mà sám hối. Cho nên Tánh là tuyệt đối không khai.

4/  Tướng: là giới tướng.

Ví dụ: Tỳ kheo 250 giới, Tỳ kheo ni 348 giới.

*Có những giới không thể nào khai được như 8 giới Ba la di.

II.  KHAI, GIÁ, TRÌ, PHẠM: 

1/ Khai: là mở ra, cho phép làm.

2/ Giá: là ngăn lại, không cho làm.

3/ Trì: là giữ gìn đúng Giới luật Phật chế.

4/ Phạm: là vi phạm những Giới luật Phật chế.

Ví dụ: Trong giới luật Phật cấm không được uống rượu, nhưng nếu trường hợp bị bệnh phải dùng đến rượu làm thuốc thì mới trị được bệnh, thì :

- Được phép bạch với chúng Tăng rồi dùng đó là KHAI.

- Bệnh lành rồi không được dùng rượu nữa đó là GIÁ. Giá là ngăn lại vì sợ phạm đến tánh giới, mà cũng để tránh sự thế gian cơ hiềm, nghĩa là tránh sự chê bai của người thế gian- mà có câu là : “ Trị thế cơ hiềm”.

- Không làm ác gọi là TRÌ. 

-Không làm thiện gọi là PHẠM.

Đức Phật phương tiện “ Khai, Giá, Trì, Phạm” vì bản chất nó không ác, nhưng đề phòng sợ nó phạm đến tánh giới nên Phật chế giới ngăn không cho phạm, đôi khi tùy trường hợp bị bệnh, gặp nạn,... thì được khai ( mở ra), nhưng xong việc thì phải giá (ngăn lại).

III. XÁC ĐỊNH CHO RÕ GIỮA TỘI BA LA DI VÀ THÂU LANG GIÁ:

- BA LA DI: là việc đã làm xong.

- THÂU LANG GIÁ: là việc làm chưa thành.

Ví dụ : 

1/  Trong ý định trộm 5 tiền - trộm được 5 tiền thì phạm Ba la di. Nếu chỉ trộm được 4 tiền không đủ như ý định ban đầu là 5 tiền – thì phạm Tùng Sanh Thâu Lang Giá, còn nếu thấy người ta có 20 tiền nên lấy hết thì phạm Độc Đầu Thâu Lang Giá.

2/ Có thầy Tỳ kheo tự tử, nhảy từ trên lầu xuống. Có thầy Tỳ kheo khác đang ngồi phía dưới. Thầy Tỳ kheo kia nhảy xuống té ngay trên đầu thầy Tỳ kheo kia – thầy Tỳ kheo muốn tự tử thì không bị gì, nhưng thầy Tỳ kheo kia thì lại bị gãy cổ chết. Như vậy, thì thầy Tỳ kheo này không có ý giết người cho nên không phạm Ba la di, mà chỉ phạm Thâu Lang Giá.

• Nguyên nhân Phật chế giới Trộm cắp là do:

Tỳ-kheo Đàn-ni-tra nguyên là con nhà thợ gốm, làm một căn chòi tranh trên núi để ở. Có người đi lượm củi thấy chòi vắng nên dỡ đi, lấy củi về nấu bếp. Khi về thấy chòi bị dỡ đi, ông bèn xây lên một căn chòi bằng đất nung, kiên cố mầu đỏ chói. Phật thấy vậy bảo ông nên phá bỏ đi, ông chần chừ nên đức Phật sai các Tỳ-kheo khác phá bỏ căn chòi đó. Ông liền đi tới khu rừng của vua Tần Bà Ta La và nói với người kiểm lâm rằng: " Vua Tần-Bà – Ta- La có hứa cho tôi dùng cây để làm cốc tu ", rồi vác rìu đốn cây xả cành lá lung tung. Quan triều đình đi qua thấy vậy hỏi người kiểm lâm, và chất vấn Đàn-ni-tra về tội đốn cây quí của Vua mà không xin phép. Câu chuyện rắc rối này đến tai Phật, cho nên ngài chế ra giới không được trộm cắp.

• Vào thời đó, Phật cho phép phá những tổ quạ không có con non và trứng, vì trong lúc các thầy Tỳ kheo tĩnh tọa trong rừng thì quạ làm ồn không định tâm được. Trong lúc phá tổ quạ có những tiền, vàng, bạc,... do quạ tha quần áo của người chết về làm tổ. Các thầy Tỳ kheo đến trình hỏi Phật, thì Phật dạy được chia nhau xài số tiền vàng, bạc đó vì đó không phải là thức ăn của quạ và quạ cũng không biết xài tiền vàng.

Vài hôm sau, các thầy Tỳ kheo thấy trong ổ chuột có khoai lang nên lấy về nấu ăn, Phật dạy không được lấy khoai lang đó. Vì khoai lang là thức ăn của chuột, nếu lấy là phạm tội ăn trộm thức ăn của chuột là phạm vào Thâu Lang Giá của thiên Ba la di.

• TẠI SAO TỲ KHEO ĐƯỢC HOÀN TỤC VÀ XUẤT GIA LẠI ĐẾN 7 LẦN?

Nguyên nhân: Vào thời đó, có thầy Tỳ Kheo Tăng- Già- Ma cứ vào xin xuất gia rồi lại hoàn tục nhiều lần, các thầy Tỳ kheo khác không hoan hỷ vì mỗi lần như vậy thì việc đi tìm xin y bát rất khó. Đến lần thứ 6 ông trở vào xin xuất gia lần nữa thì ngài A nan cùng các thầy Tỳ kheo khác không xin y bát cho ông nữa. Phật nói với các vị đó rằng đó là do duyên nghiệp đời trước của ông Tăng- Già- Ma đã gây ra, nhưng lần thứ 7 này ông sẽ trả xong và chứng thánh quả A la hán. Đúng thật vậy, lần này thì thầy Tỳ kheo Tăng- Già-Ma đã chứng A la hán. Nguyên nhân Tỳ kheo xuất gia,  hoàn tục được 7 lần là như vậy.

• LÚC ĐỨC PHẬT SẮP NHẬP DIỆT: 

Lúc đức Phật sắp nhập diệt thì có nói trước 3 tháng, Phật nói với ngài A Nan là sau này khi ta nhập diệt rồi, có những giới nguyên vi nhỏ nhặt không cần thiết thì có thể bỏ đi, để sự hành trì giới luật được thích ứng. Đến khi Phật đã nhập diệt, thì Ngài Ca Diếp không hay vì đang đi hoằng hóa ở xa, trên đường về thăm Đức Thế Tôn thấy 1 ông ngoại đạo cầm tràng hoa đi ngược chiều về phía thành Câu- Thi-La. Ngài Ca Diếp mới hỏi “ Ông có thấy Đức Thế Tôn ta khỏe không?”. Ông ngoại đạo trả lời :” Đức Thế Tôn đã nhập diệt”. Lúc đó ngài Ca Diếp cùng đi với 500vị Tỳ kheo. Các vị Tỳ kheo thì ngã lăn ra khóc, còn ngài Ca Diếp thì khẩn trương đi về. Lúc đó đang làm lễ trà tỳ Đức Phật, thi thể đã nhập quan rồi nhưng 4 thầy Tỳ Kheo châm lửa không cháy, các vị chư Thiên nói như vậy là phải chờ ngài Ca Diếp về. Khi đó thì ngài Ca Diếp cũng vừa tới và châm lửa thì lửa liền cháy lên. Xong lễ trà tỳ, ngài Ca Diếp hỏi A Nan là Đức Phật dạy bỏ những giới nhỏ nguyên vi, vậy đó là những giới nào?

Ngài A Nan trả lời không biết vì không có hỏi rõ. 

Ví dụ 8 pháp Ba la di bỏ được không? 17 pháp Tăng tàn? 30 pháp Xả đọa? 178 pháp Ba dật đề?100 pháp chúng học? 7 pháp diệt tránh? Hỏi thì ai cũng lắc đầu, không dám bỏ. Ngài Ca Diếp tuyên bố: Những giới nào Phật chế ra thì giữ nguyên không bỏ. Còn những giới nào Phật chưa chế thì không được thêm.

----- * * * * -----

Bây giờ nói về: Sau khi đức Phật thành đạo và rời khỏi tòa Bồ Đề đến tượng bia đá cách khoảng 100 mét đức Phật ngồi chiêm ngưỡng lại sự hỷ lạc, công năng tu tập đã thành tựu của Ngài.

Lúc này, Phật độ được hai người lái buôn đi ngang qua làm đệ tử cư sĩ đầu tiên.

Vị thọ thần chặn hai người lái buôn lại và nói “ Đức Thế Tôn mới thành đạo, chưa có ai cúng dường, vậy hai ông hãy cúng dường thức ăn cho Thế Tôn”. Và hai người lái buôn cúng dường cớm và mật ong, trong lúc này thì cái bát của Phật đã thả xuống sông Ni Liên Thiền với lời phát nguyện “ Ta ngồi đây tầm chơn đạo lý Chánh pháp, nếu như sự tu hành của ta đúng Chánh pháp và thành tựu thì cái bát này trôi ngược dòng, Ngài thả cái bát xuống dòng sông nước đang chảy cuồn cuộn và cái bát của Phật bỗng trôi ngược dòng. Cho nên bây giờ không có gì để nhận cúng dường từ hai người lái buôn.

• 4 VỊ TỨ THIÊN VƯƠNG đem đến 4 cái bát cúng dường Đức Phật, Đức Phật nhận hết 4 cái bát và kết hợp lại thành 1 cái bát to, cho nên cái bát của Phật có 4 cái ngấn, khác hơn những cái bát thường của các thầy Tỳ kheo.

• Lần đầu tiên Phật độ cư sĩ trước là 2 người lái buôn, lúc đó chỉ có NHỊ QUY Y là quy y Phật, quy y Pháp, CHƯA CÓ TĂNG. 

Khoảng 1 tuần lễ sau Phật độ 5 anh em Ngài Kiều Trần Như với bài pháp Tứ Đế tại vườn Lộc Uyển, lúc đó thành lập Tăng bảo đầu tiên. Chính thức có TAM BẢO là PHẬT BẢO - PHÁP BẢO – TĂNG BẢO.